🆘 SỰ TRỖI DẬY CỦA BĐS MIỀN TRUNG 🆘

admin
17/062022
Nội dung bài viết
➖ Đặt trọn niềm tin vào sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của vùng miền Trung thời kỳ hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn ở trong và ngoài nước đã đổ về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư.
🌟 Sức hút miền Trung
➖ Điều này được thể hiện qua những con số ấn tượng trong thu hút đầu tư tại các địa phương thuộc khu vực miền Trung trong suốt một năm vừa qua. Đơn cử như TP. Đà Nẵng. Trong năm 2021, địa phương này đã cấp phép mới 34 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 149,5 triệu USD, tăng 21% về vốn. Bình Định đã vượt qua Đà Nẵng và nhiều địa phương khác về thu hút vốn đầu tư trong nước. Chỉ trong một năm qua, địa phương này đã thu hút đầu tư 82 dự án trong nước, với tổng số vốn hơn 101.616 tỉ đồng. Bình Định cũng đã thu hút đầu tư 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,3 triệu USD.
➖ Còn tại Quảng Nam, trong một năm qua, UBND tỉnh cùng các sở ngành và địa phương có liên quan đã nỗ lực thúc tiến độ triển khai lập hàng loạt quy hoạch quan trọng, đồng thời xúc tiến hồ sơ đầu tư các dự án khu công nghiệp, khu đô thị mới quy mô lớn. Triển vọng về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tại Quảng Nam còn được chứng minh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP), dự kiến sẽ tăng khoảng 5,1% trong năm 2021. Đây là mức trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng khá của cả nước.
➖ Không ấn tượng như Đà Nẵng và Bình Định trong việc thu hút đầu tư, Quảng Nam khá thành công trong năm 2021 khi kinh tế phát triển khá và hàng loạt doanh nghiệp lớn đã và đang tìm về miền đất hứa này để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong số đó có thể kể đến những tên tuổi lớn như Tập đoàn Sun Group, FPT, Nova Group và FLC. Thực ra, không phải đợi tới lúc nền kinh tế bất ổn vì chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 các doanh nghiệp mới đầu tư vào miền Trung. Việc đầu tư đã được nhiều doanh nghiệp khảo soát, tính toán, phân tích kỹ lưỡng trong giai đoạn 2016-2020.
➖ Bàn luận về vấn đề này không thể không kể đến những tiềm năng, thế mạnh sẵn có tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với khoảng 600km bờ biển, miền Trung được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh. Đây còn là khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế gắn liền với biển. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,8-7%/năm. Vai trò của các khu kinh tế ven biển ngày càng tăng, thu hút được nhiều dự án dự án trong lĩnh vực dầu khí, luyện thép, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo. Đặc biệt, ngành du lịch miền Trung đã và đang trở thành động lực tăng trưởng. Ở đó, ngành du lịch được ví như ngành công nghiệp không khói của vùng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 17-18%, doanh thu toàn ngành du lịch tăng bình quân 20%/năm và khách du lịch tăng bình quân 19%/năm.
➖ Bên cạnh đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng đã ưu tiên đầu tư và hoàn thành các trục nối liên tỉnh, liên vùng, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, cảng biển, cảng hàng không. Cụ thể, khu vực này đã hoàn thành nâng cấp hệ thống các tuyến đường quốc lộ, hoàn thành tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; đầu tư xây dựng tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan, Cam Lộ – La Sơn; đầu tư các tuyến đường ven biển. Khu vực này còn có các cảng hàng không, hệ thống cảng biển đủ sức đáp ứng nhu cầu vận chuyển container, xuất nhập khẩu hàng hóa.
🌟 Trỗi dậy mạnh mẽ
➖ Không nằm ngoài quy luật phát triển kinh tế xã hội, những năm gần đây, thị trường bất động sản miền Trung đang trỗi dậy phát triển mạnh mẽ. Khoảng chục năm về trước khi nói đến thị trường bất động sản miền Trung nhiều người chỉ biết đến những dự án đình đám của các thương hiệu lớn tại TP. Đà Nẵng. Thế nhưng, trong những năm gần đây, bức tranh thị trường bất động sản miền Trung đã trở nên đa dạng và phong phú hơn khi chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường bất động sản Quảng Nam, Bình Định và Quảng Ngãi.
➖ Là địa phương láng giềng của Đà Nẵng, Quảng Nam hiện có hơn 135 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng. Trong số đó có nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có vốn đầu tư hàng tỉ USD đã đầu tư hoàn thiện và đi vào hoạt động, như Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (hoàn thành giai đoạn 1). Còn tại Bình Định, thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh này cho biết, tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 12 dự án nhà ở xã hội, 12 dự án chung cư thương mại, hơn 46 dự án khu đô thị ở trong và ngoài khu kinh tế. Trong số các dự án đang triển khai nêu trên, một số dự án đủ điều kiện giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai.
➖ Thị trường bất động sản Quảng Ngãi cũng không hề kém cạnh về nguồn cung. Toàn tỉnh hiện có 114 dự án phát triển nhà ở đang triển khai, trong đó có 33 dự án đã cho phép chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để đầu tư nhà ở. Địa phương này hiện có 19 dự án có liên quan đến nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng. Thị trường bất động sản khu vực miền Trung được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới khi nhiều tỉnh đã thông qua kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
➖ Cụ thể, thành phố Đà Nẵng từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng 60.890 căn nhà ở trên diện tích 2.419ha. Tổng số vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch này là 101.490 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 480 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp là 58.680 tỉ đồng, còn lại là vốn của người dân. Về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh 4 dự án chuyển tiếp với tổng diện tích 15,8ha, UBND thành phố đã chọn 15 vị trí với diện tích 59,9ha để đầu tư nhà ở xã hội đến năm 2030. Trong khi đó, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tổng diện tích nhà ở khoảng 44,7 triệu m2 sàn, đến năm 2030 sẽ có khoảng 53 triệu m2 sàn (diện tích tăng thêm giai đoạn 2026-2030 khoảng 8,149 triệu m2 sàn).
🌟 Những vùng đất mới
➖ Nhìn vào những chủ trương của các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có thể thấy thị trường bất động sản khu vực này còn nhiều tiềm năng để phát triển ở những vùng đất mới. Đơn cử, TP. Đà Nẵng mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng tây, tây bắc theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh; phát triển khu trung tâm thành phố theo mô hình đô thị nén hiện đại; và thí điểm tái thiết đô thị ở một số khu vực quận Hải Châu và Thanh Khê. Cũng trong giai đoạn này, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư phát triển, phấn đấu đưa huyện Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025.
Song song với đó, về phát triển hạ tầng, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ đẩy nhanh triển khai các dự án, công trình trọng điểm, trong đó xây dựng bến cảng Liên Chiểu – giai đoạn 1; mở rộng nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đầu tư tuyến kết nối giao thông sân bay về phía tây; di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị; công trình vượt sông Hàn; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B, 14G, 14D, một số nút giao thông khác mức (Túy Loan, Liên Chiểu, Hòa Hiệp…); Khu công viên phần mềm số 2…
➖ Trong khi đó, Quảng Nam sẽ đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị – trung tâm dịch vụ, du lịch – công nghiệp sạch – nông nghiệp công nghệ cao… Địa phương này phấn đấu đưa kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh phát triển mạnh, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế gắn với củng cố an ninh quốc phòng, đồng thời tổ chức lại và thúc đẩy triển khai, đưa vào hoạt động hiệu quả các nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam. Đặc biệt, Quảng Nam cũng sẽ tập trung đầu tư phát triển, phấn đấu đưa thành phố Tam Kỳ sớm trở thành đô thị loại I; huyện Núi Thành sớm trở thành thị xã; thị xã Điện Bàn sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
➖ Cũng trong giai đoạn này, Quảng Ngãi xác định 3 nhiệm vụ đột phá, gồm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian đến.
➖ Còn tại Bình Định, trong giai đoạn 5 năm tới, địa phương này sẽ tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp và mở rộng giao thông (như Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Becamex Bình Định, đường ven biển, đường nối sân bay Phù Cát – Nhơn Hội…); quy hoạch đường sắt nội đô nối Cát Tiến với trung tâm Quy Nhơn. Cùng với đó, Bình Định tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía bắc nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía bắc của tỉnh. Đáng chú ý, giai đoạn 2021-2025, Bình Định sẽ tập trung phát triển thị xã An Nhơn trở thành thành phố; huyện Phù Cát sẽ là vùng trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Bình Định, là trung tâm dịch vụ vận tải hàng không, đường bộ quốc gia và đường biển.
Cre: Cafeland
Có thể là hình ảnh về thiên nhiên và thủy vực
Hồ Chí Minh